Một trong những vấn nạn về ô nhiễm môi trường đang báo động hiện nay là rác thải nhựa. Tình trạng này ngày càng trở nên nghiêm trọng, biểu hiện là những con số thống kê về số lượng rác thải nhựa thải ra môi trường hàng năm. Vậy thì rác thải nhựa là gì? Tác hại của chúng như thế nào? Vimi xin mời bạn đọc cùng tìm hiểu qua bài viết sau.
Nội dung chính
1. Rác thải nhựa là gì?
Rác thải nhựa là cụm từ dùng để chỉ những sản phẩm nhựa đã qua sử dụng hoặc không cần dùng đến nữa và thải ra môi trường như: túi nhựa, chai nhựa, ống hút nhựa hoặc sản phẩm từ các loại chất dẻo tổng hợp…. Những loại rác thải nhựa này có đặc điểm là thời gian phân hủy vô cùng lâu, có thể lên tới hàng trăm thâm chí là hàng nghìn năm.
Rác thải nhựa đang gây ra tình trạng ô nhiễm nặng nề cho môi trường nói chung, môi trường đất và môi trường nước nói riêng. Đã có rất nhiều cuộc khảo sát cho thấy, hằng năm có tới từ 1,1 – 8,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra biển gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường biển vô cùng nghiêm trọng, để lại nhiều hậu quả nặng nề.
2. Rác thải nhựa bao gồm những loại nào?
Nhựa là sản phẩm của sự tiến bộ khoa học, công nghệ. Bên cạnh những tiện ích tuyệt vời trong đời sống mà sản phẩm từ nhựa mang lại chúng ta thì các sản phẩm nhựa này tồn tại rất nhiều những hạn chế gây ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe con người.
Rác thải nhựa về bản chất là toàn bộ những sản phẩm từ nhựa đã qua sử dụng, thậm chí là đồ mới. Vậy thì rác thải nhựa bao gồm những gì? Đó là:
- Túi bóng nilon
- Ống hút nhựa
- Chai lọ nhựa
- Đồ dùng nhựa sử dụng 1 lần
- Các loại chất dẻo tổng hợp khác,…
Các sản phẩm kể trên được sử dụng khá phổ biến trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta và đây chính là nguyên nhân khiến cho rác thải nhựa tăng lên mỗi ngày. Ta có thể lấy một ví dụ về việc ra tăng số lượng rác thải nhựa thải ra môi trường để thấy được mức độ của nó khủng khiếp như thế nào, đó là mỗi người trong một ngày thải ra môi trường một loại rác thải nhựa thì một ngày Trái Đất sẽ phải hứng chịu hơn 7 tỷ rác thải nhựa xả ra môi trường. Đây là điều thực sự khủng khiếp đối với các sinh vật sống trên thế giới, đặc biệt là con người.
3. Thực trạng rác thải nhựa hiện nay
➀ Trên thế giới
Theo một số thống kê, mỗi năm, thế giới thải ra khoảng 300 triệu tấn rác thải nhựa, ngang bằng với trọng lượng của toàn bộ dân số trên toàn cầu, con số này thực sự kinh khủng. Trong chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc năm 2018, có báo cáo rằng mỗi năm thế giới sử dụng khoảng 500 tỷ túi nhựa và có đến 40% nhựa được sản xuất dùng để đóng gói. Từ năm 1969 cho đến nay, lượng nhựa mà con người sử dụng đã tăng gấp 20 lần và chắc chắn một điều rằng chúng còn tăng nhanh theo cấp số nhân trong tương lai.
Cũng theo thống kê trên, thế giới hiện tại đang phải đối mặt với khoảng 9,1 tỷ tấn rác thải nhựa tích tụ trên trái đất. Và nếu không hạn chế được việc sử dụng các sản phẩm nhựa thì đến năm 2050 số lượng nhựa được sản xuất là 33 tỷ tấn, như vậy sẽ có hơn 13 tỷ tấn rác thải nhựa bị chôn lấp trong các bãi rác hoặc đổ thẳng xuống đại dương.
Hai quốc gia đang đứng đầu thế giới về lượng rác thải ra môi trường lần lượt là Trung Quốc và Indonesia với khối lượng lần lượt là 8,8 triệu tấn và 3,2 triệu tấn mỗi năm, chiếm tới 1/3 tổng lượng rác thải nhựa ở ngoài đại dương.
➁ Tại Việt Nam
Theo số liệu từ đại diện FAO( Tổ chức lương thực và nông nghiệp Liên Hợp Quốc), mỗi năm nước ta thải ra môi trường 1,8 triệu tấn nhựa, trong đó có khoảng 730.000 tấn bị thả ra biển. Từ những con số trên ta thấy rằng Việt Nam đang là quốc gia đứng thứ tư trong danh sách các quốc gia xả rác nhiều nhất trên thế giới.
Ở nước ta, trung bình mỗi tháng, một hộ gia đình sẽ sử dụng và thải ra 1 kg túi nhựa. Bên cạnh đó, hai trung tâm kinh tế của cả nước là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh bình quân mỗi ngày đã thải ra môi trường khoảng 80 tấn rác thải nhựa, đây quả là một con số cực kì đáng báo động.
4. Rác thải nhựa từ đâu mà có?
Không chỉ trong cuộc sống hằng ngày, rác thải nhựa còn được thải ra môi trường thông qua rất nhiều hoạt động khác của con người, điển hình ta có thể liệt kê một số nguồn rác thải chính đó là:
✘ Trong sinh hoạt hằng ngày: Đó là những sản phẩm nhựa dùng một lần như: cốc chén nhựa, ống hút, vỏ túi nilon, vỏ hộp đồ ăn nhanh,… Các loại sản phẩm nhựa này không thể tái sử dụng được.
✘ Hoạt động y tế: Với mục đích để đảm bảo tính vệ sinh và phòng tránh lây lan bệnh các sản phẩm trong ngành y tế luôn được sử dụng 1 lần. Vì thế, từ hoạt động y tế mà lượng rác thải nhựa thải ra môi trường mỗi ngày là rất đáng kể.
✘ Hoạt động du lịch, tham quan: Một trong những tác nhân khiến lượng rác thải nhựa gia tăng là do khách du lịch gây nên thông qua các hoạt động ăn uống, picnic,…
✘ Hoạt động công nghiệp: Bên cạnh các hoạt động sinh hoạt, y tế và du lịch thì hoạt động công nghiệp cũng là một trong những nguyên nhân chiếm tỉ trọng cao trong việc ra tăng số lượng rác thải nhựa.
5. Tác hại của rác thải nhựa
Đây là một vấn đề nóng, mang tính thời sự bởi nó tác động trực tiếp gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người và môi trường sống của con người, của tất cả các loài sinh vật sống trên Trái Đất. Vậy thì tác hại của nó đến với từng đối tượng như thế nào, chúng ta cùng tìm hiểu chi tiết qua phần nội dung dưới đây:
✘ Đối với con người
Rác thải nhựa có thời gian phân huỷ cực kỳ lâu trong khoảng từ vài trăm năm thậm chí là hàng nghìn năm. Trong quá trình phân hủy đó chúng sẽ bị phân rã thành hàng triệu mảnh nhựa siêu nhỏ. Những hạt vi nhựa (microplastic) này sẽ đi vào nguồn nước, đất, không khí và thức ăn… nếu con người không may tiếp xúc, ăn phải những mảnh vi nhựa này sẽ khiến cho sức khỏe bị ảnh hưởng. Điều này là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh nguy hiểm như: mất cân bằng hoóc-môn, các bệnh liên quan đến hô hấp, Một số bệnh về thần kinh…
Vì những hạt vi nhựa có kích thướcc nhỏ nên có thể dễ dàng đi vào đường tiêu hóa và phổi – đây là những vị trí tiềm ẩn nguy cơ bị tổn thương. Đồng thời, các hạt nhựa có khả năng hấp phụ các vi sinh vật hay chất ô nhiễm độc hại. Khi đi vào cơ thể sẽ gây ra hiện tượng kích hoạt nhiễm trùng, làm suy giảm hệ miễn dịch và rối loạn quá trình nội tiết.
Ngoài ra, nhiều loại túi nilon được làm từ dầu mỏ nguyên chất khi chôn lấp sẽ ảnh hưởng tới môi trường đất và nước. Khi đốt chúng sẽ tạo ra khí thải có chất độc dioxin và furan gây ra hiện tượng bị ngộ độc, ảnh hưởng tới tuyến nội tiết, gây ra bệnh ung thư, làm giảm khả năng miễn dịch,… Bên cạnh đó, việc sử dụng túi nilon để đựng đồ ăn nóng sẽ là điều kiện nảy sinh ra nhiều chất độc hại cho cơ thể.
✘ Đối với môi trường
Gây ra hiện tượng ô nhiễm môi trường đất, làm đất không giữ được nước dẫn đến tình trạng xói mòn, thiếu dinh dưỡng, oxi làm ảnh hưởng đến sự phát triển của cây trồng.
Nếu xử lý rác thải nhựa không đúng cách như đốt nhựa không đúng quy chuẩn sẽ là nguy cơ cao gây ra tình trạng nhiễm môi trường không khí, gây ra hiệu ứng nhà kính và làm ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống con người và các sinh vật sống.
✘ Đối với các loài sinh vật biển
Rác thải nhựa thải ra môi trường tràn lan trên biển đã gây ra hiện tượng “ô nhiễm trắng” và gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến các loài thủy, hải sản. Theo một báo cáo có đến hơn 260 loài sinh vật biển bị vướng, ăn phải các mảnh rác thải nhựa trên biển, điều này làm phá hủy các tế bào, tác động xấu tới hệ tiêu hóa của các loài động vật… nguy hiểm hơn là làm tắc khí quản gây ngạt thở. Bình quân trong cơ thể mỗi con cá chứa khoảng 2.1 mảnh vi nhựa. Điều này chính là nguyên nhân gây phá huỷ hay suy giảm đa dạng sinh học và làm thay đổi cấu trúc, thành phần của hệ sinh thái biển.
6. Biện pháp hạn chế rác thải nhựa
Để xử lý triệt để rác thải nhựa thải ra môi trường đây có lẽ là bài toán vô cùng khó. Tuy nhiên, để cải thiện tình trạng rác thải lớn như thế này mỗi cá nhân có ý thức, hạn chế tối đa việc sử dụng các sản phẩm nhựa điều này sẽ giúp cải thiện tình trạng rác thải nhựa.
✔ Đối với mỗi cá nhân, hộ gia đình
- Tái sử dụng lại các loại chai lọ, những loại rác có thể tái chế được.
- Sử dụng các dụng cụ ăn uống (bát, đũa, thìa, muỗng) bằng gỗ, sứ..
- Hạn chế tối đa việc sử dụng túi nilon nếu không thực sự cần thiết.
- Sử dụng bình định nước bằng thủy tinh thay cho các loại chai lọ nhựa.
- Vứt, bỏ rác đúng nơi quy định và chủ động phân tách các loại rác thải.
- Giảm thiểu tối đa việc sử dụng các sản phẩm nhựa một lần.
✔ Đối với các cơ quan có thẩm quyền
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng, đồng thời tuyên truyền nhân thức về tác hại khi sử dụng túi nilon, đồ nhựa.
- Vận động người dân “Nói không với túi nilon”, chủ động phân loại rác ngay tại nguồn và vứt rác đúng nơi quy định.
- Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, thúc đẩy ý thức người dân như: đổi giấy lấy cây, đổi rác nhựa lấy đồ dùng như cây cảnh, đồ ăn, mũ bảo hiểm… để thuận tiện cho việc thu gom, phân loại và tái chế các loại rác thải nhựa.
- Kết hợp với các hệ thống kiểm soát chặt chẽ việc sản xuất sản phẩm nhựa.
- Tuyệt đối không nhập khẩu rác thải từ nước ngoài về để tái sử dụng.
- Áp dụng hệ thống xử lý nước thải trước khi xả ra ngoài môi trường.
- Áp dụng những chế tài xử phạt thật nặng các cá nhân, tập thể có hành vi xả rác bừa bãi ra môi trường.
Trên đây là bài viết “Rác thải nhựa? Các tác hại của rác thải nhựa hiện nay” hy vọng, qua nội dung bài viết Blog_Vimi đã giúp bạn hiểu được rác thải nhựa là gì đồng thời có ý thức hơn trong việc sử dụng các sản phẩm nhựa để cùng chung tay xây dựng một hành tinh Xanh – Sạch – Đẹp.
Ngoài chia sẻ các kiến thức mở rộng về xã hội, giáo dục, nhân sự…Vimi chúng tôi còn là nhà cung cấp số lượng lớn các sản phẩm van công nghiệp (van bướm, van 1 chiều, van y lọc…), các sản phẩm đồng hồ đo lưu lượng và sản phẩm phụ kiện ống (phụ kiện inox, phụ kiện gang…).